(PNTU)- Ngày 30/11/2021, Trung tâm Đào tạo - Trị liệu kỹ thuật cao, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã khai giảng khóa đầu tiên của chương trình đào tạo liên tục “Chẩn đoán và điều trị bệnh lý suy tĩnh mạch chi dưới”.
PSG. TS. BS. Ngô Minh Xuân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường phát biểu khai giảng chương trình đào tạo liên tục “Chẩn đoán và điều trị bệnh lý suy tĩnh mạch chi dưới” khóa I.
Buổi lễ khai giảng có sự tham dự của PGS. TS. BS. Ngô Minh Xuân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường, TS. BS. Bùi Đặng Minh Trí - Phó Trưởng Trung tâm Đào tạo - Trị liệu kỹ thuật cao và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch, tĩnh mạch của TP. Hồ Chí Minh: PGS. TS. BS. Đỗ Kim Quế - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tim - Lồng ngực - Mạch máu thuộc Khoa Y, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; PGS. TS. BS. Phạm Thọ Tuấn Anh - Nguyên Trưởng Bộ môn Ngoại Lồng ngực - Tim mạch, Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh; PGS. TS. BS. Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP. Hồ Chí Minh; TS. BS. Trịnh Minh Tranh - Giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Tim - Lồng ngực - Mạch máu thuộc Khoa Y, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; BS. CKII. Hồ Khánh Đức - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu, Bệnh viện Bình Dân; BS. CKII. Dương Văn Mười Một - Trưởng khoa Phẫu thuật tim - Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Nhân dân 115, … cùng các học viên tham gia lớp học. Nhằm tuân thủ theo khuyến cáo của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, buổi lễ khai giảng lớp đã tổ chức hình thức trực tuyến song song với hoạt động khai giảng trực tiếp tại Trường.
PGS. TS. BS. Đỗ Kim Quế - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tim - Lồng ngực - Mạch máu thuộc Khoa Y, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phát biểu tại buổi lễ khai giảng.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân. Bệnh có thể dẫn đến biến chứng khó chữa như: chàm da, loét chân không lành, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu... Bệnh thường tiến triển chậm, không rầm rộ, ít nguy hiểm nhưng trở ngại nhiều cho sinh hoạt và công việc hằng ngày. Tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, tỉ lệ người bị suy tĩnh mạch chi dưới chiếm một tỉ lệ đáng kể trên tổng số dân, do nhiều nguyên nhân như lối sống, tính chất một số công việc đặc thù, tỉ lệ này đang có dấu hiệu gia tăng.
Với thực trạng trên, đã có nhiều bệnh viện, phòng khám triển khai khám, tư vấn và điều trị suy tĩnh mạch chi dưới. Tuy vậy, đến nay các lớp, khóa học về chẩn đoán và điều trị bệnh lý này vẫn còn hạn chế dẫn đến không đủ nguồn nhân lực y tế phục vụ nhu cầu của người bệnh.
Học viên là bác sĩ đang công tác tại bệnh viện chia sẻ khi tham gia lớp đào tạo liên tục “Chẩn đoán và điều trị bệnh lý suy tĩnh mạch chi dưới.”
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mang trong mình sứ mệnh “Đào tạo nguồn lực y tế chất lượng cao, nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”, thường xuyên xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thực tế. Nhận thấy được nhu cầu về nguồn nhân lực y tế, Trung tâm Đào tạo - Trị liệu kỹ thuật cao, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức lớp đào tạo liên tục “Chẩn đoán và điều trị bệnh lý suy tĩnh mạch chi dưới”.
Chương trình đào tạo sẽ kéo dài trong 03 tháng, trong đó lý thuyết gồm các nội dung, kiến thức y khoa gắn liền với thực hành, giúp các bác sĩ nắm được các bệnh lý suy tĩnh mạch chi dưới. Từ đó, các bác sĩ có thể chỉ định điều trị chính xác và thực hiện các kỹ thuật điều trị suy tĩnh mạch chi dưới.
Lê Duy