Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA) là một rối loạn thường gặp ở người cao tuổi. Nhìn chung, tỷ lệ người trên 65 tuổi bị ngưng thở khi ngủ là từ 13 đến 32%. OSA làm gia tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, và tử vong ở người cao tuổi. Các triệu chứng nổi bật ở người cao tuổi bao gồm ngáy, buồn ngủ vào ban ngày và suy giảm chức năng nhận thức.
Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA) là gì?
Hội chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) là một tình trạng mãn tính được đặc trưng bởi những khoảng dừng trong chu kỳ hít vào - thở ra khi ngủ. Khi bệnh nhân mắc phải hội chứng này, hơi thở có những quãng dừng lặp đi lặp lại khoảng vài giây trong khi ngủ. Hiện tượng này xảy ra khi các cơ ở vùng sau cổ họng thư giãn, đồng thời đường thở thu hẹp hoặc đóng lại khi hít vào. Do vậy, có sự sụt giảm nồng độ oxy máu trong giấc ngủ, cơ thể sẽ không nhận đủ nguồn oxy cần thiết.
Các triệu chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ ở người lớn tuổi
Có nhiều triệu chứng cần lưu ý ở người lớn tuổi bị hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Béo phì, tuổi cao, bất thường giải phẫu học đường thở trên, và tiền căn gia đình đều là các yếu tố nguy cơ của OSA. Sau 50 tuổi, giới tính nam không còn là một yếu tố nguy cơ quan trọng của OSA. Tỉ lệ nam : nữ mắc OSA ở người cao tuổi là 1:1.
1. Ngáy: Không phải tất cả những người ngủ ngáy đều mắc rối loạn giấc ngủ, tuy vậy sẽ khá nguy hiểm nếu bỏ qua triệu chứng này, xem như một dấu hiệu bình thường của tuổi già. Ngáy không đơn thuần chỉ là một âm thanh phiền toái ồn ào, mà có thể là một triệu chứng của Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Những bệnh nhân lớn tuổi bị OSA cũng có thể thở mệt hoặc có cơn ngưng thở khi ngủ.
2. Buồn ngủ quá mức ban ngày: Buồn ngủ quá mức vào ban ngày không phải là một dấu hiện bình thường của tuổi già. Bệnh nhân OSA có thể thức dậy với cảm giác mệt mỏi dù ban đêm ngủ đủ giấc. Hậu quả là họ luôn cảm thấy uể oải, buồn ngủ và khó có thể duy trì sự tỉnh táo minh mẫn trong ngày.
3. Suy giảm nhận thức: Ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến sự suy giảm đáng kể về một số chức năng nhận thức như khả năng chú ý, trí nhớ và chức năng điều hành. Người cao tuổi bị chứng ngưng thở có thể than phiền khó tập trung, cáu kỉnh hoặc mắc phải tình trạng sương mù não. Nếu không được điều trị, ngưng thở khi ngủ có thể gây ra sa sút trí tuệ.
4. Đau đầu và khô miệng: Người lớn tuổi bị chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có thể than phiền các triệu chứng đau đầu, khô miệng, đau họng khi thức dậy. Đau đầu có thể do giảm nồng độ oxy trong máu và thường hết một hoặc hai giờ sau khi thức dậy.
5. Tăng huyết áp kháng trị: Khi việc sử dụng các thuốc hạ áp không hiệu quả với chứng tăng huyết áp, nguyên nhân tiềm ẩn có thể do hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. OSA mức độ nặng có thể góp phần làm huyết áp khó kiểm soát. Trong trường hợp này, việc điều trị OSA có thể giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn.
Hậu quả của Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ đối với sức khỏe
Hậu quả của Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ ở người cao tuổi bao gồm rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ, đái tháo đường type 2 đề kháng insulin, và các hội chứng chuyển hóa khác. Suy giảm khả năng nhận thức, trí nhớ và khả năng tập trung cũng như hiệu suất học tập hoặc công việc giảm sút có thể ảnh hưởng đến tất cả các nhóm tuổi, đặc biệt ở người lớn tuổi.
Nếu không được điều trị, OSA có thể là yếu tố nguy cơ góp phần vào sự suy giảm chức năng nhận thức do tuổi tác. Một nghiên cứu theo dõi kéo dài 8 năm trên 559 bệnh nhân cao tuổi không bị rối loạn thần kinh. Ở các bệnh nhân có bất thường hiện tượng thở trong khi ngủ (chỉ số ngưng thở và giảm thở AHI >15), có sự suy giảm nhẹ chức năng tập trung chú ý, ngay cả sau khi đã kiểm soát chứng buồn ngủ vào ban ngày hoặc các bệnh đồng mắc như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lo âu và trầm cảm. Sự giảm khả năng chú ý có thể phần nào được giải thích bởi hiện tượng thiếu oxy máu mãn tính. Chức năng điều hành và trí nhớ không có sự thay đổi đáng kể.
Bên cạnh đó, nguy cơ té ngã cũng tăng cao ở nhóm bệnh nhân này. Thiếu ngủ và việc sử dụng một số loại thuốc ngủ để cải thiện chất lượng giấc ngủ có thể làm giảm khả năng phối hợp và vận động, do đó các bệnh nhân này dễ có nguy cơ bị tai nạn. Vì vậy, nhà ở của người cao tuổi nên được trang bị các thiết bị hỗ trợ chống, hoặc nên sống trọng viện dưỡng lão, nơi họ có thể được theo dõi chặt chẽ trong trường hợp bị té ngã hoặc các cấp cứu y khoa khác.
Chẩn đoán và điều trị
Đo đa ký giấc ngủ là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán Hội chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) ở người lớn tuổi. Đa ký hô hấp có thể được chỉ định thay thế trong trường hợp bệnh nhân có nhiều bệnh đồng mắc hoặc bị suy giảm nhận thức.
Với các trường hợp chứng ngưng thở tắc nghẽn mức độ nhẹ hoặc trung bình, bệnh nhân có thể được khuyên thay đổi lối sống, ví dụ như giảm cân (nếu thừa cân), tập thể dục đều đặn, ngưng hút thuốc lá, tránh xa rượu và các thuốc gây dãn cơ có thể làm giảm hoạt động của cơ đường hô hấp trên.
Thở áp lực dương liên tục (CPAP) là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với OSA và được chỉ định trong các trường hợp mức độ trung bình đến nặng. CPAP hoạt động như một thanh nẹp khí nén duy trì sự thông thoáng của đường thở trên trong khi ngủ.
Một số bệnh nhân bị OSA, đặc biệt là những người bị suy tim kèm theo hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, có thể cần công nghệ thở áp lực dương tiên tiến hơn. Trong một nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên đa trung tâm kéo dài 12 tháng được thiết kế để xác định liệu pháp CPAP có mang lại tác dụng có lợi nào cho người từ 65 tuổi trở lên bị OSA mức độ trung bình đến nặng hay không, kết quả cho thấy CPAP làm giảm đáng kể tình trạng buồn ngủ ban ngày ở thời điểm 3 và 12 tháng, và thời gian sử dụng càng nhiều càng đạt hiệu quả cao hơn.
Đối với bệnh nhân OSA lớn tuổi không muốn hoặc không thể sử dụng liệu pháp CPAP, bác sĩ có thể xem xét chỉ định cho bệnh nhân đeo các thiết bị hỗ trợ hàm dưới trong khi ngủ. Các thiết bị này đã được chứng minh là có hiệu quả ở những bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên bị OSA. Phẫu thuật đường thở trên có thể được chỉ định cho những bệnh nhân có bất thường đường thở trên hoặc sọ não gây ra OSA, nhưng vai trò của nó ở người lớn tuổi khá hạn chế.
Tóm lại, tần suất của OSA tăng lên cùng với quá trình lão hóa, đồng thời các tác động bất lợi có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng độc lập của người lớn tuổi. Để tạo điều kiện tốt nhất và đảm bảo bệnh nhân lớn tuổi có cuộc sống tốt, việc chẩn đoán nhanh chóng là rất quan trọng. Nên tầm soát OSA hoặc các rối loạn giấc ngủ khác trên đối tượng người cao tuổi có nguy cơ cao, từ đó có thể chỉ định các phương pháp điều trị hiệu quả nhất và giảm nhẹ hậu quả.